Quản Cáo  Topbanner

Vắc xin phòng COVID-19

Cập nhật: 09:26 - 04/05/2022 | Lần xem: 22350

Tìm hiểu về phản ứng phản vệ sau tiêm chủng

Dị nguyên (allergen) là một chất có thể gây ra các phản ứng dị ứng. Phản ứng phản vệ là một phản ứng dị ứng. Nó có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên và gây ra các bệnh cảnh khác nhau, có thể nghiêm trọng, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Phản ứng này có thể xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với các dị nguyên là yếu tố lạ có khả năng gây phản ứng dị ứng cho cơ thể như thức ăn, thuốc, vắc xin và các yếu tố khác.

Ảnh minh họa (nguồn: Chương trình tiêm chủng mở rộng)

Các chất liên quan trong quá trình sản xuất vắc xin có thể gây ra phản ứng dị ứng

Vắc-xin là chế phẩm có tính kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh, đã được bào chế đảm bảo độ an toàn cần thiết. Vắc xin làm cho cơ thể tự tạo ra tình trạng miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Một số vắc-xin có thể gây tác dụng phụ ngoại ý như sốt, đau nhức, sưng tấy tại nơi tiêm hoặc nhiễm trùng (do kỹ thuật tiêm không đảm bảo vô khuẩn). Phản ứng phản vệ có gặp nhưng với tỷ lệ rất thấp. Các chất liên quan đến quá trình điều chế vắc-xin như protein trứng, gelatin, latex, men bia rượu, các chất bảo quản, chất cố định, kháng sinh, ... có thể gây ra các phản ứng dị ứng.

Phân loại phản ứng phản vệ sau tiêm chủng

Phản ứng phản vệ sau tiêm vắc-xin có thể nhẹ nhàng (độ I - nhẹ) như xuất hiện các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch. Tuy nhiên nó cũng có thể ảnh hưởng toàn thân (độ II - nặng) như xuất hiện mày đay, phù mạch nhanh, khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi, đau bụng, nôn, ỉa chảy, huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp. Phản ứng phản vệ thậm chí ảnh hưởng hô hấp, tuần hoàn, ý thức (độ III - nguy kịch) như xuất hiện tiếng rít thanh quản, phù thanh quản, thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở, rối loạn ý thức vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn, sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp. Và nặng nhất là nguy cơ ngưng tuần hoàn, hô hấp (độ IV).

Xử trí kịp thời, người bệnh sẽ phục hồi hoàn toàn

Theo hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ, người sau tiêm vắc-xin cần ở lại chỗ tiêm theo dõi sát ít nhất 30 phút, nếu có phản ứng phản vệ độ I sau tiêm vắc-xin có thể chỉ cần uống hoặc tiêm solumedrol và diphenhydramin, nhưng từ phản ứng phản vệ độ II trở đi cần tiêm bắp ngay Adrenalin bên cạnh các điều trị khác vì diễn tiến có thể rất nhanh và ảnh hưởng tính mạng.

Hướng dẫn triển khai công tác an toàn tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 thậm chí còn nhấn mạnh cần chuẩn bị sẵn 01 bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml để tránh mất thời gian lấy thuốc ra khỏi tủ hoặc hộp thuốc khi có phản ứng phản vệ xảy, giúp việc xử trí được nhanh chóng.

Phản ứng phản vệ sau tiêm phòng vắc-xin (trong đó có vắc-xin phòng COVID-19) mặc dù hiếm gặp nhưng diễn tiến nhanh, có thể ảnh hưởng tính mạng. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn, không để lại di chứng.

BS. CKII. Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1

Tài liệu tham khảo

1. Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về Hướng dẫn phòng, chấn đoán và xử trí phản vệ.

2. Công văn số 4198/BYT-KCB ngày 22/5/2021 của Bộ Y tế về việc Triển khai công tác an toàn tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19.