Quản Cáo  Topbanner

Đội ngũ giảng viên

Cập nhật: 10:47 - 05/07/2024 | Lần xem: 472

Khai giảng khoá đào tạo thứ hai về dịch tễ học thực địa (FETP)

Ngày 3/7/2024, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Cục Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S.CDC) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) triển khai tổ chức lễ khai giảng khoá Dịch tễ học thực địa cơ bản (FETP, Field Epidemiology Training Program) thứ hai dành cho nhân viên đến từ Trung tâm Y tế.

Đây là khoá FETP cơ bản thứ hai dành cho đối tượng học viên tại Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2024. Khoá học này có sự tham dự của 21 học viên đến từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và các Trung tâm y tế quận/huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Học viên tham gia khoá học này cần có ít nhất 02 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giám sát, báo cáo và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm và có kỹ năng tin học cơ bản.

Được biết, khóa đào tạo FETP đầu tiên đã được tổ chức thành công với 24 học viên. Khóa học thứ 2 này nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ y tế làm công tác phòng chống dịch tại HCDC và các Trung tâm Y tế quận huyện.

Mục tiêu cụ thể của khoá FETP là nâng cao năng lực ứng dụng các phương pháp dịch tễ học cơ bản của các cán bộ y tế trong hoạt động giám sát, điều tra và đáp ứng các vấn đề y tế công cộng, trước hết là các dịch bệnh truyền nhiễm, từ đó đề xuất, thực hiện các giải pháp phù hợp.

Khoá học ngắn hạn FETP cơ bản kéo dài 03 tháng (12 tuần) bao gồm học tập trung 03 tuần trên lớp với 03 hội thảo được triển khai xen kẽ và 02 đợt thực địa với các nội dung như sau: Thu thập, phân tích, phiên giải, trình bày và chia sẻ số liệu giám sát bệnh truyền nhiễm; Đánh giá chất lượng số liệu giám sát; Phương pháp điều tra ca bệnh, điều tra dịch, ổ dịch; Phương pháp phân tích và xác định nguyên nhân của các vấn đề y tế công cộng; Phương pháp đánh giá nguy cơ và dự báo dịch; Phương pháp trình bày báo cáo và chia sẻ thông tin,… Bên cạnh đó học viên sẽ được thực hành báo cáo tình hình dịch bệnh theo tuần; thực hành phân tích thực trạng hệ thống giám sát của một bệnh ưu tiên tại địa phương.

Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, tiếp tục đối mặt với dịch bệnh và các sự kiện y tế công cộng. Là khu vực trọng điểm kinh tế, giao thương và du lịch, TP Hồ Chí Minh luôn là một điểm nóng cho sự xuất hiện và xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm mới nổi cũng như các mối đe dọa y tế công cộng đến từ các nơi trên toàn cầu. Ngành y tế đang đứng trước thách thức to lớn trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Vì thế, những cán bộ làm công tác phòng chống dịch phải có cả kiến thức và kỹ năng thực hành để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và xử lý nhanh, không để bệnh dịch lây lan, hạn chế và khắc phục được ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe của nhân dân.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu cán bộ có kỹ năng, tổ chức thực hiện giám sát, điều tra, đáp ứng dịch bệnh truyền nhiễm và vấn đề y tế công cộng ở các tuyến, đặc biệt là tuyến quận huyện. Do đó, rất cần xây dựng một chương trình đào tạo gắn liền với thực hành thực tế nhằm nâng cao kỹ năng giám sát, điều tra, đáp ứng dịch cho cán bộ y tế từ trung ương tới địa phương. Chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa có sứ mệnh tăng cường đội ngũ cán bộ y tế tuyến đầu của Thành phố thông qua việc trang bị những kỹ năng dịch tễ học để đáp ứng với tình hình dịch bệnh”

Quê Hương