Biểu hiện viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Kiến ba khoang thường bị thu hút bởi ánh sáng đèn, xâm nhập vào nhà sau đó đậu vào quần áo, giường chiếu, chăn màn. Quá trình sinh hoạt, người dân vô tình tiếp xúc, chất độc trong cơ thể kiến ba khoang nhả ra gây nên viêm, loét da. Bản chất kiến ba khoang là con vật hiền lành, chúng không cắn hoặc đốt chích người. Mặc dù là con vật hiền lành, tuy nhiên do cơ chế phòng thủ sinh học để chống lại các kẻ thù khác mà bên trong cơ thể kiến có chứa chất Pederin, một loại chất độc gây rộp, phỏng da. Chất Pederin không được kiến chủ động tiết ra mà nó chỉ tồn tại trong cơ thể kiến. Khi cơ thể chúng bị nghiền nát, chất này mới được giải phóng ra môi trường. Chất Pederin dính vào vùng da con người, nhất là vùng da non, vùng da nhạy cảm như: vùng mặt, cổ, cánh tay, bắp chân…thì các vùng da chỗ này sẽ bị phồng rộp, bỏng, đau rát. Một vài trường hợp khi bị dính Pederin sẽ gây viêm da, và nếu không chăm sóc tốt vết thương thì có thể gây nhiễm trùng và tình trạng vết thương trở nặng hơn. Nhìn sơ, hình dạng vết thương rất giống với vết phồng rộp do bệnh Zona (giời leo). Vì vậy, khi thấy cơ thể xuất hiện các vết phòng rộp trên da cần nhanh chóng đên các cơ sở y tế để nhân viên y tế chuẩn đoán và có giải pháp xử lý thích hợp.